Tiểu sử Thẩm_phu_nhân_(Đường_Đại_Tông)

Thẩm phu nhân xuất thân Ngô Hưng (nay là Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang), dòng họ Ngô Hưng Thẩm thị (吳興沈氏), đây là một hào môn có tiếng ở địa phương. Tổ 6 đời là Thẩm Hiệp (沈勰), từng làm Thái thú của quận An Lục thời Nam Lương. Sau, Thẩm Hiệp quy phụ Bắc Chu, Hoàng đế Bắc Chu là Vũ Văn Ung lấy Thẩm thị, con gái của Thẩm Hiệp làm phi tần, phong Thẩm Hiệp làm Thượng thư Tả phó xạ. Tằng tổ Thẩm Lâm (沈琳) từng làm Lang trung thời nhà Tùy, tổ phụ Thẩm Giới Phúc (沈介福), làm chức Viên ngoại, từng nhậm Huyện lệnh của huyện Trường An. Cha Thẩm thị là Thẩm Dịch Trực (沈易直), làm Bí thư giám, em trai Thẩm Chấn (沈震) về sau cũng là Bí thư giám.

Khoảng cuối năm Khai Nguyên (741), Thẩm thị với thân phận [Lương gia tử; 良家子] mà nhập Thái tử cung[1][2]. Theo quy chế đời Đường, Lương gia tử là con nhà lành thế gia nhiều đời, tổ tiên không phạm tội, được hoạch chọn để làm phi thiếp cho Hoàng tử, Hoàng tôn hoặc bổ sung Nữ quan trong Nội đình. Với xuất thân thế gia nhiếu đời, Thẩm thị được sắp đặt làm thiếp của Đường Đại Tông, khi đó đang là Quảng Bình vương (廣平王), lấy lễ vật đàng hoàng mà nạp vào[3]. Năm Thiên Bảo nguyên niên (742), Thẩm thị sinh hạ nguyên tử Lý Quát, chính là Đường Đức Tông tương lai.

Trong loạn An Sử, Thẩm thị bị mất tích khi đang trong Lạc Dương khi Sử Tư Minh tái chiếm thành. Đường Đại Tông sau khi tức vị thì ra sức tìm kiếm, ròng rã 10 năm mà bặt vô âm tín[4]. Đầu năm Vĩnh Thái (765), một ni sư ở Sùng Thiện tự (崇善寺) tại Thọ Châu (nay là vùng phụ cận tỉnh An Huy) tự nhận là Thẩm phu nhân-mẹ của Thái tử, bị kiểm tra ra chân tướng giả mạo, chỉ là một nhũ mẫu của Thiếu Dương viện.